Gia đình và hậu duệ Gia_Cát_Lượng

Thôn Gia Cát hay thôn Bát Quái ở thị trấn Lan Khê, tỉnh Triết Giang còn được gọi là “Trung Quốc đệ nhất thôn”, tập trung gần 6.000 người đều là hậu duệ của Gia Cát Lượng. Thôn Gia Cát do Gia Cát Đại Sư, hậu duệ đời thứ 27 của Gia Cát Lượng, lập vào cuối đời Tống, đầu nhà Nguyên (khoảng năm 1300). Gia Cát Đại Sư đã vận dụng học thuyết Kham dư (phong thủy) vào bát quái trận đồ của ông tổ mình, thiết lập thôn trang án theo cửu cung bát quái, trước khi qua đời ông còn di huấn con cháu không được thay đổi nguyên dạng, dù có bị tai ương. Trải qua hơn 800 năm thăng trầm, tổng thể kiến trúc cửu cung bát quái không hề thay đổi. Trong thôn có đền thờ thừa tướng Gia Cát Lượng, hoa viên, 3 nhà bia, 18 sảnh đường, 18 giếng, 18 ao, hơn 200 phòng ốc..., đều là kiến trúc cổ đời Minh - Thanh rất độc đáo. Con cháu Gia Cát trong thôn đời đời đều theo lời giáo huấn của tổ phụ “Không làm lương tướng, tất làm lương y” nên nhiều đời theo nghề thuốc.

Gia Cát dạy con cháu

Không chỉ tài ba mưu lược, Gia Cát Lượng còn là danh sư bậc thầy. Cuốn sách "Giới Tử Thư" (Thư dạy con) mà Gia Cát Lượng để lại trước khi lâm chung cho con trai mình đến nay vẫn được lưu truyền rộng rãi, trở thành một tài liệu kinh điển chứa đựng những triết lý sống, những đạo lý nhân sinh cuộc đời vô giá. Giới Tử Thư gồm 2 bức thư, mỗi bức chưa quá 90 chữ nhưng lại bao hàm những lời răn dạy sâu sắc. Trong đó, có tám chữ cực kỳ tâm đắc được ông đặc biệt nhấn mạnh với Gia Cát Chiêm, khi đó mới 8 tuổi: "Đạm bạc minh chí, ninh tĩnh chí viễn (Sống đạm bạc để sáng tỏ chí lớn, yên tĩnh để chí hướng cao xa)". Tức là phẩm hạnh của người đức tài toàn vẹn là dựa vào nội tâm an tĩnh, tinh lực tập trung để tu dưỡng thân và tâm; là dựa vào tác phong giản dị để bồi dưỡng đạo đức.

Bên cạnh đó, Gia Cát Lượng cũng viết rằng: “Học tập cần phải chuyên tâm ý chí, để phát triển tài năng thì cần phải học tập khắc khổ. Không nỗ lực học tập, thì không thể phát triển tài trí; không xác định rõ chí hướng thì không thể thành công trong học tập”. Trong quá trình học tập, ý chí quyết tâm, sự kiên trì, nỗ lực là những yếu tố rất quan trọng để đạt được sự học, vậy nên cha mẹ cần tạo cho trẻ em sự hứng thú với học tập, tìm tòi và rèn luyện tính kiên trì ngay từ những ngày đầu tới trường.

Tuổi trẻ sẽ trôi đi rất nhanh, sức lực và tinh thần của con người cũng suy yếu dần theo tuổi tác, nhân lúc còn trẻ phải tự mình theo đuổi thành công, nắm bắt cơ hội. Gia Cát lượng căn dặn con mình: “Tuổi tác trôi qua, ý chí hao mòn theo năm tháng, thì cuối cùng sẽ như cây khô lá úa mà thôi, không có ích gì cho xã hội. Đến lúc đó ngồi trong góc nhà đau buồn than thở có ích gì đâu?”

"Giới tử thư" Gia Cát Lượng gửi con trai Gia Cát Chiêm:

Phẩm hạnh của người tài đức song toàn là dựa vào nội tâm an tĩnh, tinh lực tập trung để tu dưỡng thân tâm, dựa vào tác phong cần kiệm chất phác để bồi dưỡng đức hạnh. Không coi nhẹ danh lợi thế tục thì không thể sáng tỏ chí hướng của mình.

Thân tâm không yên tĩnh thì không thể thực hiện được lý tưởng lớn lao cao xa. Học tập cần phải chuyên tâm dốc chí. Để tăng trưởng tài năng thì cần phải khắc khổ học tập. Không nỗ lực học tập thì chẳng thể tăng trưởng tài trí, không sáng tỏ chí hướng thì chẳng thể thành tựu học vấn.

Truy cầu hưởng lạc quá độ và lười nhác phóng túng thì không thể phấn chấn tinh thần. Buông tuồng hấp tấp thì không thể tu dưỡng được tính tình.

Tuổi hoa trôi đi theo thời gian, ý chí tiêu tan cùng năm tháng, cuối cùng giống như cây khô tàn lá héo, trở thành người vô tích sự, không có bất kỳ tác dụng gì đối với xã hội. Đến lúc đó ru rú trong xó nhà nhỏ bé của mình, đau buồn than thở thì còn có ích gì nữa đây?

Bức thư “Giới ngoại sanh thư” gửi cháu trai:

Làm người phải có chí hướng cao xa vĩ đại, biết ngưỡng mộ những bậc thánh hiền, giới cấm các ham muốn dục vọng, vứt bỏ các nhân tố ngăn cản mình tiến bước, khiến chí hướng mình hiển lộ và lưu tồn trên thân mình, rung động nơi sâu thẳm nội tâm mình.

Cần biết co biết duỗi, vứt bỏ những thứ nhỏ nhặt, thỉnh giáo, tham vấn rộng rãi khắp mọi người, trừ bỏ nghi kỵ và keo kiệt. Như vậy cho dù gặp phải trắc trở phải dừng bước cũng sẽ không tổn hại đến chí hướng vui thú tốt đẹp của mình, sao phải lo lắng không đạt được mục đích.

Nếu chí hướng không kiên nghị vững vàng mạnh mẽ, ý chí không khảng khái hiên ngang, như vậy sẽ tầm thường vô tích sự trôi theo dòng thế tục, lặng lẽ bị tình cảm ham dục trói buộc. Người như thế ắt sẽ mãi mãi trầm luân trong đám phàm phu, thậm chí không tránh khỏi trở thành kẻ phàm phu tục tử!

Sau này, con cháu của Gia Cát Lượng đều coi nhẹ danh lợi, một lòng tận trung báo quốc, vì quốc gia xã tắc mà cống hiến cuộc đời. Gia đình ông được tôn xưng là "Trung nghĩa truyền gia thế vô song", cũng chính là nhờ sự răn dạy con cháu của Gia Cát Lượng.

Mao Tôn Cương trong Thánh thán ngoại thư có lời khen ngợi:

Vũ Hầu (Gia Cát Lượng) có con trung dũng, lại thêm có cháu trung liệt. Đời cho như vậy là Vũ Hầu không chết. Tiên chúa (Chiêu Liệt Đế Lưu Bị) tuy không có con anh hùng, nhưng có cháu (Bắc Địa vương Lưu Kham) khảng khái, cháu thay cho con, đời cũng cho là Tiên chúa không chết... Xem trận đánh Miên Trúc, vì chữ trung mà Chiêm, Thượng liều chết tại trần tiền, ta mới rõ cái hay trong gia giáo nhà Vũ Hầu... Ôi! Nhà Thục Hán mất rồi, nhưng ta vẫn thấy rờ rờ có sinh khí hơn các triều đại khác.